Công nghiệp khai thác than xuất hiện tương đối sớm và được phát triển từ nửa sau thế kỉ XIX. Sản lượng than khai thác được rất khác nhau giữa các thời kì, giữa các khu vực và các quốc gia, song nhìn chung, luôn có xu hướng tăng lên về số lượng tuyệt đối. Trong vòng 50 năm qua, tốc độ tăng trung bình là 5,4%/năm, còn cao nhất vào thời kì 1950 - 1980 đạt 7%/năm. Từ đầu thập kỉ 90 đến nay, mức tăng giảm xuống chỉ còn 1,5%/năm.
Mặc dù việc khai thác và sử dụng than có thể gây hậu quả xấu đến môi trường (đất, nước, không khí...), song nhu cầu than không vì thế mà giảm đi. Vậy tại sao nhu cầu sử dụng than đá lại luôn có xu hướng tăng? Nhu cầu than đá sẽ tăng hay giảm trong những năm tới? Hãy cùng CÔNG TY TNHH CHẾ BIẾN VÀ KINH DOANH THAN MIỀN NAM tìm hiểu những vấn đề xoay quanh chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé!
Lý do chính: Than đá là nguồn nhiên liệu sản xuất 38% lượng điện trên toàn thế giới. Nhu cầu sử dụng điện tăng đương nhiên kéo theo tiêu thụ than đá tăng. Trong bài viết "Giải thích thế nào về xu hướng than đá được sử dụng nhiều hơn trên thế giới ?" đăng trên trang mạng The Conversation, nhà kinh tế Carine Sebi thuộc Đại học quản trị Grenoble, Pháp (GEM) cho biết 2/3 lượng than đá được dùng để sản xuất điện, phần còn lại phục vụ cho công nghiệp, chủ yếu là ngành luyện kim.
Chuyên gia Carine Sebi dẫn nguồn dữ liệu của cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực năng lượng Enerdata cho biết trong giai đoạn 2010-2017, mức tiêu thụ than đá để sản xuất điện tăng tỉ lệ thuận với mức tiêu thụ điện nói chung, lần lượt là 2,8%/ năm và 3%/năm.
Nếu như tại Pháp, chỉ có 1,8% lượng điện được sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện dùng than đá, và ở Trung Đông chỉ khoảng gần 3%, thì tại nhiều nước, tỉ trọng này vẫn rất lớn, chẳng hạn Ba Lan (78%), Ấn Độ (75%), Trung Quốc (68%), Indonesia (58%), Philippines (50%). Con số này ở Việt Nam là 34%.
Trung Quốc là nước có nhu cầu cao nhất về than đá. Hiện giờ, Trung Quốc tiêu thụ tới ¼ tổng lượng than đá khai thác được trên toàn thế giới. Các nguồn năng lượng sạch chưa đủ đáp ứng nhu cầu nên Trung Quốc chủ yếu vẫn phải dựa vào nhiệt điện. Nhu cầu điện của Trung Quốc tăng trung bình 7%/năm kể từ năm 2005. Xét về số lượng, Trung Quốc sử dụng nhiều than đá nhất thế giới để phục vụ ngành sản xuất điện.
Hiện nay, trên thế giới có hai xu hướng trái ngược nhau. Trong khi một số nước đã giảm tỉ trọng nhiệt điện, thì có một số nước khác lại đẩy mạnh sản xuất điện từ than đá. Nhóm nước thứ hai cũng thường là các quốc gia khai thác nhiều than đá nhất. Ấn Độ, tỉ trọng nhiệt điện đã tăng thêm 7% từ năm 2010 đến năm 2017. Mức tăng ở Indonesia là 18%, Philippines 15%. Việt Nam cũng là nước có tỉ trọng nhiệt điện tăng mạnh (+14%). Tại Nhật Bản, sau thảm họa Fukushima, nhiều nhà máy điện nguyên tử đã phải đóng cửa. Trong bối cảnh đó, nước Nhật phải dựa nhiều vào than đá để sản xuất điện. Tỉ trọng nhiệt điện than tại nước này vì thế tăng mạnh trong giai đoạn 2011-2015. Philippines và Việt Nam là hai trong số các nước có trữ lượng than đá lớn và đã tận dụng nguồn nhiên liệu này để sản xuất điện, tránh phụ thuộc về năng lượng.
Ngược lại, tỉ trọng nhiệt điện than giảm mạnh ở Mỹ (-15%), châu Âu (-10%). Trung Quốc, cho dù vẫn là nước tiêu thụ nhiều than nhất thế giới để sản xuất điện, nhưng chính quyền cũng đã triển khai các chính sách môi trường và năng lượng để hạn chế sử dụng than đá để giảm nạn ô nhiễm môi trường, nhờ vậy tỉ trọng nhiệt điện than cũng được giảm 10%.
Điều đáng ngạc nhiên, theo nhà kinh tế Carine Sebi, là trong bối cảnh thế giới đấu tranh chống biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia đề ra mục tiêu đóng cửa triệt để các nhà máy nhiệt điện than (Pháp - năm 2022, Anh và Ý - năm 2025, Hà Lan - năm 2030 và Đức - năm 2035), thì hiện giờ lại có thêm khoảng 20 nước, trong đó có 9 nước châu Phi, 3 nước Trung Mỹ, hai nước Trung Đông và 2 nước châu Á đang hướng về than đá. Từ nay đến năm 2025, hơn 70 nhà máy nhiệt điện than tại những nước này sẽ được đưa vào hoạt động.
Một điểm khác đáng nói là đa phần những quốc gia này thậm chí còn không có nguồn than đá, trừ Bangladesh và Tanzania. Dự án nhiệt điện than tại những nước này phần lớn đều có nguồn vốn của Trung Quốc và Ấn Độ, bởi vì thời gian gần đây ngày càng có nhiều định chế tài chính quốc tế lớn không ủng hộ những dự án liên quan đến nhiệt điện than nữa.
Theo dự báo mà cơ quan dự báo Enerfuture của tổ chức nghiên cứu năng lượng Enerdata công bố vào tháng 01/2019 và được chuyên gia Carine Sebi trích dẫn, từ nay đến năm 2040, tỉ trọng nhiệt điện than trong cơ cấu nguồn điện trên thế giới sẽ chỉ giảm 10 điểm, xuống còn 27,6%. Trung Đông, châu Mỹ la-tinh và châu Âu sẽ là 3 khu vực có tỉ trọng nhiệt điện than thấp nhất thế giới, lần lượt là 1,9%, 4% và 7,4%. Ấn Độ (54,2%), Indonesia (44,3%) và Trung Quốc (38,7%) vẫn sẽ là 3 nước có tỉ trọng nhiệt điện than cao nhất do có trữ lượng than đá dồi dào và mang lại nhiều lợi nhuận về kinh tế. Nhưng nếu xét về mức độ giảm, thì Trung Quốc sẽ dẫn đầu (-24,6%).
Xét về ngắn hạn và trung hạn, nhu cầu điện trên thế giới vẫn tiếp tục tăng, nhất là do nhu cầu ở các nước có nền kinh tế mới nổi tăng mạnh, đồng thời sẽ có thêm nhiều lĩnh vực sử dụng điện, nhất là xe hơi chạy bằng điện. Theo một báo cáo của Cơ quan năng lượng quốc tế công bố ngày 30/05/2018, từ cuối năm 2014 đến cuối năm 2017, số xe hơi chạy điện trên thế giới đã tăng gấp 5 lần. Tính đến cuối năm 2017, trên thế giới có khoảng 3,1 triệu xe hơi điện lưu thông, gần 2/3 số đó là xe chạy điện 100%. Theo dự báo của Cơ quan năng lượng quốc tế, từ nay đến năm 2030, số xe hơi chạy điện sẽ tăng lên đến 125-220 triệu chiếc.
Trong năm 2017, hơn 50% số xe hơi điện bán được là tại Trung Quốc. Nhưng nếu so sánh với các nước khác, trong khi số xe hơi điện chỉ chiếm 2,2% tổng số xe bán được tại Trung Quốc, thì tại Bắc Âu, tỉ lệ này là cao hơn rất nhiều (Na Uy 39,2%, Island 11,7% và Thụy Điển 6,3%). Tại Pháp, so với năm 2016, số xe hơi bán được tăng 18%, còn tại Đức và Nhật, con số này tăng gấp đôi.
Hiện giờ, chính phủ nhiều nước đã đề ra kế hoạch cấm xe chạy bằng xăng và diesel, chuyển hoàn toàn sang xe hơi chạy điện: Na Uy - năm 2025, Hà Lan - năm 2030, Scotland - năm 2032, Pháp và Anh - năm 2040. Xe hơi chạy điện sẽ khiến nhu cầu sử dụng điện tăng, nhu cầu than đá vì thế khó có thể giảm nhanh.
Trụ sở: 267/3 Võ Văn Ngân, P Linh Chiểu, Q Thủ Đức, TPHCM
Đ/c kho bãi: Bùi Thị Xuân, Ấp Bình Hóa, Xã Hoá An, Đồng Nai
MST: 0316557100
Hotline/Zalo: 0932 087 568 (Mr. Sơn)
Email: philong0512@gmail.com
Website: www.cungcapthanda.com